Tỉnh Bình Phước được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997. Ngay sau khi được tái lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến công tác chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc rà soát, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng kế hoạch tiến hành biên soạn các công trình lịch sử. Đặc biệt, chỉ đạo tổ chức biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, giai đoạn 1930 - 1975”.
Đây là công trình lịch sử được biên soạn đầu tiên, rất công phu, nghiêm túc kể từ khi tỉnh Bình Phước được tái lập. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VI, nhiệm kỳ 1997 - 2000 công trình được biên soạn gồm 4 phần, phần mở đầu: Bình Phước - Vùng đất, con người và truyền thống đấu tranh trước khi có Đảng; phần thứ nhất: Đảng lãnh đạo nhân dân Bình Phước đấu tranh cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1930 - 1945); phần thứ hai: Đảng lãnh đạo quân và dân Bình Phước kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); phần thứ ba: Đảng lãnh đạo quân và dân Bình Phước kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). Nội dung các chương, mục đã tái hiện một cách đầy đủ nhất, chân thật nhất những chặng đường lịch sử vẻ vang, những sự kiện, nhân vật, đúc kết những bài học kinh nghiệm, những tấm gương tiêu biểu trong đấu tranh giành độc lập kể từ khi hình thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên trên vùng đất Bình Phước cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi.
Nhằm tiếp tục biên soạn công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn sau năm 1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 chỉ đạo biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, giai đoạn 1975 - 2005”. Công trình này được kết cấu gồm 3 chương, trong đó nội dung chương I: Khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 – 1986); chương II: Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng (1986 – 1996); chương III: Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau ngày tái lập tỉnh (1997 - 2005). Nội dung các chương, mục đã tái hiện một cách sinh động, đầy đủ việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh một cách sáng tạo trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống nhân dân, vận động tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để bổ sung đầy đủ, kịp thời, xuyên suốt, có hệ thống quá trình chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước từ khi có Đảng lãnh đạo đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ đạo biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, giai đoạn 1930 - 2020”. Trong đó, chỉ đạo viết mới giai đoạn 2005 đến thời điểm 2020. Nội dung phần này là Đảng bộ tỉnh chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Như vậy, qua hơn 25 năm tái lập tỉnh, việc biên soạn công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được nâng lên. Các cấp ủy đảng xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết và lâu dài, có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Quá trình biên soạn công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh đã được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát; các nhân chứng lịch sử, các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý chân thành, tâm huyết, trách nhiệm, bổ sung, cung cấp nhiều tư liệu quý, có giá trị. Các công trình lịch sử trước khi in ấn xuất bản đều được tổ chức hội thảo từ 2 đến 3 lần, cầu thị lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử một cách nghiêm túc; nội dung thể hiện, phân kỳ giai đoạn lịch sử luôn gắn với từng giai đoạn lịch sử của đất nước và thực tế của địa phương, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính tổng kết cao; rút ra được những bài học kinh nghiệm lịch sử quý, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước có giá trị cao về mặt lịch sử và ý nghĩa thời đại.
TẢI LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐÍNH KÈM BÊN DƯỚI